Mâm cỗ trông trăng đêm Trung Thu của người Việt xưa khá giản dị. Vào khoảnh khắc ánh trăng lên cao và lan tỏa ánh sáng khắp một vùng, người ta có thời gian đủng đỉnh dùng bánh, thưởng trà để thả lỏng tâm hồn vào những chiêm nghiệm sâu xa.

Ngọt và đắng: Sự viên mãn ta mong cầu trong đêm đoàn viên
Luận bàn về việc người xưa thường chọn trà cho mâm cỗ Trung Thu, nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng nguyên nhân đến từ vị giác. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, người dùng bánh sẽ cần chút cảm giác trái ngược để trung hòa và cân bằng vị giác. Đó là lý do mà họ thích thưởng trà để hai thái cực hòa quyện và lan tỏa, tạo nên một sự thanh tao cần thiết nơi hậu vị.
Hoặc có thể lý giải rằng, thưởng thức miếng bánh ngọt đơn thuần khiến người ta chưa thỏa mãn được vị giác. Nhấp một trà, vị ngọt dịu của bánh sẽ đọng lại lâu hơn trên đầu lưỡi, tạo thành vị thơm ngọt kéo dài. Chính bởi vậy, hiếm thức uống nào thay thế được trà trong nghệ thuật dùng bánh Trung Thu.
Dù thời gian chảy trôi, mẫm cỗ có bánh nướng, bánh dẻo, cốm non, quả hồng, hạt sen, mứt bí cùng ấm trà đượm hương vẫn hình ảnh quen thuộc vào mỗi dịp Tết Trung Thu. Trong cái ngọt của bánh có vị đắng chát của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của bánh. Hai vị đắng và ngọt hòa quyện hệt như những dư vị đối lập mà ta phải trải qua trong cuộc đời, tất cả tạo nên sự viên mãn mà ta mong cầu trong đêm trăng Rằm.

Thưởng trà không chỉ là hậu đãi vị giác
Nếu nói thưởng trà chỉ là đãi ngộ vị giác thì quả thực thiếu sót. Thưởng trà đâu chỉ để nhấm nháp cái đắng chát hay dư vị ngọt hậu của riêng lá trà. Người ta thưởng trà còn để ngự lãm cả sự điêu luyện trong nghệ thuật pha trà, sự tinh xảo của bộ ấm chén pha trà, sự tĩnh tại của không gian uống trà và sự sâu sắc của những câu chuyện trà dư tửu hậu.
Tất cả tạo nên sự thăng hoa về mặt cảm xúc trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Tách trà trong văn hóa người Việt ngoài tác dụng dưỡng tâm, tĩnh trí còn là một trong những lễ nghi trang trọng để con cháu bày tỏ lòng kính trọng với ông bà tổ tiên hoặc sự lễ độ, mến khách tới chơi nhà.
Uống trà còn được ví như uống cả một luồng văn hóa Việt, hương trà còn vấn vương sau khi uống cũng như văn hóa dân tộc luôn còn mãi trong tâm trí của mỗi người Việt, ngay cả khi xa xứ.

Hương trà phảng phất dưới trăng Rằm
Khi trăng thượng huyền, Tết Trung thu sum họp đoàn viên đang gõ cửa nhà từng nhà. Hãy tạm gác công việc và trở về nhà để tận hưởng trọn vẹn không khí đầm ấm bên những người mà bạn yêu thương.
Chúng ta sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường, những thử thách đã trải qua, những mục tiêu đang hướng tới, trao cho nhau sự quan tâm ân cần, gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp. Bên mâm cỗ đủ đầy trà bánh, chúng ta sẽ có những phút giây lắng lại để cảm nhận sự yên ả lay tỉnh tâm hồn.
Mùa Thu đã sang, cái se lạnh đầu mùa đã dần ngấm vào xúc giác. Ngay lúc này, xoay đều trong lòng bàn tay một tách trà nhỏ, nhấp ngụm thư thái và thưởng thức một miếng bánh nướng thập cẩm truyền thống, bạn sẽ thấy giá trị truyền thống đáng quý đến nhường nào. Sẽ không có sự lựa chọn nào viên mãn hơn trà hoa.
Một nghệ nhân từng chia sẻ rằng: “Trà ướp hương hoa nhài, hương sen tỏa hơi giữa một tối trăng tròn đã làm thăng hoa thêm những chiếc bánh tròn trịa. Dù bánh Trung Thu vị ngọt hay vị mặn thì cũng có thức trà tương ứng để dùng kèm, tạo nên sự thăng hoa về mặt vị giác, tinh thần và cảm xúc”. Mùa Thu, Bánh và Trà, tất cả hòa quyện tạo nên dấu ấn văn hóa lưu truyền muôn đời.
